Ngày 04/7/2021, trường Cao đẳng Công Thương miền Trung tổ chức nghiệm thu trực tuyến các sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học của CBGV năm học 2020 – 2021 (do dịch bệnh Covid19). Trong đó có đề tài “Thiết kế, lắp đặt hệ thống phanh khí nén trên ôtô” của thầy Phạm Tiến Dũng – giáo viên TBM Động lực, khoa Cơ khí. Đề tài được hội đồng khoa học nhà trường đánh giá là có tính mới và có ý nghĩa thực tiễn phục vụ giảng dạy thực hành cho HSSV ngành Động lực nhà trường.

Hiện nay, công nghệ ôtô ngày càng phát triển. Các hệ thống trên ôtô ngày càng được hoàn thiện và đưa vào ứng dụng trong cuộc sống phục vụ nhu cầu của con người. Đối với một kỹ thuật viên về ôtô, công việc tìm hiểu về cấu tạo, nguyên lý làm việc và rèn luyện kỹ năng bảo dưỡng sửa chữa các hệ thống là rất cần thiết. Hệ thống phanh trên ôtô có vai trò rất quan trọng, hệ thống sẽ giúp người lái điều khiển ôtô một cách thuận lợi và an toàn. Để dễ dàng tìm hiểu về cấu tạo, nguyên lý làm việc và rèn luyện kỹ năng bảo dưỡng sửa chữa các hệ thống, trong lĩnh vực đào tào, người ta tạo ra các mô hình dàn trải để người học dễ tiếp cận hệ thống trước khi học trên xe thực tế. Nhu cầu thiết bị dạy học để phục vụ cho các trường đào tạo nghề trên toàn quốc ngày một tăng, đặc biệt là những thiết bị dạy học đảm bảo tính khoa học hiện đại, ổn định và phù hợp với điều kiện thực tế công tác dạy nghề. Trước nhu cầu đó, mô hình hệ thống phanh khí nén trên ôto được tính toán, thiết kế nhằm giới thiệu cho HSSV ngành Động lực những kiến thức cơ bản về công dụng, cấu tạo, nguyên lý hoạt động, cách sửa chữa bảo dưỡng hệ thống phanh khí nén là thực sự cần thiết.

Đề tài hoàn thiện 05 nội dung nghiên cứu lớn: Nghiên cứu tổng quan các mô hình thực tập hệ thống phanh khí nén trên oto, Thiết kế mô hình; Thi công lắp đặt mô hình; Hoàn thiện thuyết minh đề tài; Hoàn thiện phiếu thực hành. Mục tiêu đề tài được xác định rõ là: Lắp đặt hệ thống phanh khí nén trên ô tô; Vận hành hệ thống; Thiết kế các bài thực hành dựa trên mô hình để đưa vào giảng dạy. Mô hình thiết kế hoạt động được sẽ là một giáo cụ trực quan giúp người học dễ dàng tìm hiểu cấu tạo và hoạt động của hệ thống phanh khí nén trên ôtô, đồng thời người học có thể thực hiện được các bài thực hành trong nội dung Bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống phanh khí nén trên  ôtô (cụ thể người học có thể tiến hành các bước: tháo, kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa và lắp hệ thống). Mô hình được thực hiện đúng với cấu tạo và hoạt động của một hệ thống phanh khí nén thực trên ôtô tải 3.5 tấn, mô tả rõ ràng cấu tạo và nguyên lý làm việc của hệ thống phanh khí nén trên ôtô vì được dàn trải trên sa bàn. Các bộ phận hình thành mô hình hệ thống phanh khí nén dàn trải bao gồm: máy nén, bộ điều áp, bình chứa, bầu lọc, van an toàn, tổng phanh, bầu phanh, đòn xoay, cơ cấu phanh, van một chiều, van xả nhanh, van rờ – le, van điều khiển phanh tay.

Tuy đã có những kết quả nhất định nhưng đề tài chỉ mô tả cơ bản được một loại trong nhiều loại hệ thống phanh khí nén trên ô tô. Tác giả đề tài đã đề xuất định hướng phát triển sâu hơn đáp ứng nhu cầu giảng dạy và học tập: Thực hiện thêm nhiều loại hệ thống phanh khí nén khác trên ôtô để người học có cái nhìn tổng thể hơn về hệ thống phanh khí nén; Có thể kết nối thêm bộ cảm biến đo tốc độ bánh xe để tính toán và kết luận hiệu quả phanh ở các bánh xe.

Nghiên cứu khoa học trong đội ngũ cán bộ giáo viên và học sinh sinh viên luôn được nhà trường chú trọng đầu tư, khuyến khích và đã trở thành hoạt động truyền thống của trường Cao đẳng Công Thương miền Trung nói chung và Khoa Cơ khí nói riêng. Các đề tài không chỉ mang lại giá trị thực tiễn phục vụ hoạt động giảng dạy, học tập mà còn góp phần thúc đẩy phong trào sáng tạo không ngừng trong nhà trường.