Việc xây dựng công trình thủy lợi kiểm soát trên sông Cái lớn tại ĐBSCL đã được Chính phủ đặt ra từ năm 2006 để đối phó với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đe dọa đến sự tồn vong của ĐBSCL

Chính thức khởi động xây dựng hệ thống thuỷ lợi Cái Lớn - Cái Bé

Để hiện các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, góp ý của các địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức quốc tế, cuối năm 2018, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé giai đoạn 1.

Việc sẵn sàng các yếu tố để triển khai công trình này đang được kỳ vọng tạo ra sự phát triển bền vững cho khu vực.

Chiều 9/11, tại Kiên Giang, Bộ NN&PTNT đã tổ chức lễ khởi công và phát động phong trào thi đua thực hiện dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé giai đoạn 1.

Trước khi phê duyệt dự án này, hàng loạt các cuộc hội thảo đánh giá ở nhiều khía cạnh cả về tác động môi trường cũng như xã hội đã được Bộ NN&PTNT và các bên liên quan thực hiện một cách thận trọng, kỹ lưỡng.

Dự án có tổng vốn đầu tư 3.309 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng – thiết bị – tư vấn là 2.718,5 tỷ đồng, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng hơn 191,2 tỷ đồng. Giai đoạn 1 do Bộ NN-PTNT làm chủ đầu tư, xây dựng cống Cái Lớn – Cái Bé và hệ thống đê nối hai cống với QL61. Khi hoàn thành vào năm 2021, khoảng 380.000 hecta đất canh tác ở các tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang, Cà Mau và Bạc Liêu sẽ được hưởng lợi.

Quy mô, công trình cống Cái Lớn có tổng chiều rộng thông nước là 455m, gồm 11 khoang, mỗi khoang rộng 40m và khoang âu thuyền rộng 15m. Cống Cái Bé tổng chiều rộng thông nước 85m, gồm 2 khoang, mỗi khoang rộng 35m và 1 khoang âu thuyền rộng 15m.

Cửa van cống và âu thuyền bằng thép, vận hành bằng hệ thống xi lanh thủy lực.

Trên cống có thiết kế cầu giao thông nông thôn. Đê nối cống Cái Lớn – Cái Bé với quốc lộ 61 có chiều dài hơn 5,7 km, bề rộng mặt đê 9m, chiều rộng phần xe chạy 7m, bao gồm 3 cây cầu và 9 cống tròn, cống hộp.

Nhiệm vụ của dự án nhằm kiểm soát nguồn nước, tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái ngọt, mặn, lợ, ngọt lợ luân phiên. Vùng hưởng lợi của dự án với diện tích tự nhiên là 384.120 hecta, trong đó đất sản xuất nông nghiệp, thủy sản là 346.241 hecta.

Kết hợp với tuyến đê biển Tây, tạo thành cụm công trình chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng chống thiên tai, giảm ngập úng. Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông bộ, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trong khu vực

Tại hội nghị, Bộ NN-PTNT và UBND các tỉnh trong vùng dự án, gồm: Kiên Giang Hậu Giang, Bạc Liêu và Cà Mau đã ký kết giám sát quá trình thực hiện và vận hành đảm bảo phát huy hiệu quả của dự án.

Chủ đầu tư và các nhà thầu ký kết hưởng ứng phong trào và cam kết thi công đảm bảo chất lượng, tiến độ, mỹ thuật của công trình.

Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành trong thời gian 24 tháng, nhưng với ký kết phong trào thi đua, các nhà thầu cam kết sẽ đưa công trình về đích trước 3 tháng (trước 11/2021).

Theo vovgiaothong.vn