Sáng ngày 3/12, tại Hà Nội, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Viện và đón nhận huân chương Hồ Chí Minh.
Tham dự buổi lễ có đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân – Ủy viên Bộ Chính trị – Chủ tịch Quốc Hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; Đồng chí Nguyễn Xuân Cường – Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Đồng chí Phan Xuân Dũng – Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng – Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc Hội; Đồng chí Cao Đức Phát – Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng – Phó Trưởng Ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương; Đồng chí Nguyễn Cảnh Dinh – Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng – Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước – Nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy lợi; Đồng chí Nguyễn Vinh Hà – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường Quốc hội; Đồng chí Nguyễn Hoàng Hiệp – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Đồng chí Phạm Công Tạc – Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Đồng chí Trần Tuấn Anh – Phó Chủ nhiệm Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Đồng chí Lưu Xuân Vĩnh – Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận.
Về phía khách quốc tế có Ngài NADAV ESHCAR – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền – Đại sứ quán Israel tại Việt Nam; Ngài OKABE DAISUKE – Công sứ – Đại sứ quán Nhật Bản tại Viện Nam.
Đến dự buổi lễ còn có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo và chuyên viên đại diện các cơ quan Trung ương, tỉnh, thành phố và các Sở, Ban, ngành trực thuộc; Các Viện nghiên cứu, trường Đại học, học Viện; Các liên hiệp hội, hội khoa học kỹ thuật; các Ban chủ nhiệm các Chương trình Khoa học Công nghệ, Chương trình Mục tiêu Quốc gia; Các Tổng Công ty, Công ty và Doanh nghiệp là đối tác của Viện.
Ngoài ra còn có Đại sứ quán Nhật Bản, Đại sứ quán Israel, Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên Hiệp Quốc (FAO), Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD); Cơ quan Trao đổi Hàn Lâm Đức (DAAD); Hiệp hội nghiên cứu và Phát triển Nước ngoài Bremen (BORDA).
Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm, thay mặt cho Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, đồng chí Bí thư Đảng ủy – Giám đốc Viện PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt đã ôn lại những dấu mốc, chặng đường quan trọng các thế hệ của Viện đã trải qua và khẳng định 60 năm là một chặng đường dài lao động liên tục, phấn đấu không mệt mỏi của các thế hệ các nhà khoa học để xây dựng một Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam lớn mạnh, mang tầm cỡ quốc gia và hội nhập quốc tế. Viện vinh dự và tự hào về những thành tựu đã đạt được và những đóng góp to lớn của mình đối với sự nghiệp phát triển thủy lợi, phòng chống thiên tai và sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
“Đặc biệt trong những năm gần đây, bám sát chiến lược phát triển của ngành, các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, các chương trình trọng điểm của Bộ và nhu cầu thực tế; nắm bắt những chủ trương lớn trong đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đề án tái cơ cấu ngành thủy lợi, hoạt động khoa học công nghệ của Viện đã tập trung xác định một số hướng nghiên cứu trọng tâm trên cơ sở kế thừa các thế mạnh và nền tảng về khoa học của Viện đã được xây dựng từ trước để từng bước giải quyết các vấn đề trên, đó là:tính toán, dự báo nguồn nước, hạn hán, xâm nhập mặn phục vụ quy hoạch phát triển sản xuất Nông nghiệp và các ngành kinh tế khác, trong đó chú trọng vào các vùng trọng điểm như ĐBSCL, Duyên Hải Miền Trung, Tây nguyên, ĐBSH; nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình thủy lợi; thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản; phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai. Các nhiệm vụ nghiên cứu của Viện được hình thành có định hướng thành các cụm nhóm nhiệm vụ để giải quyết toàn diện, đồng bộ những vấn đề lớn của thực tiễn đang đặt ra như: Vấn đề sạt lở ở ĐBSCL, vấn đề công nghệ cấp nước sinh hoạt cho vùng núi cao, vùng khan hiếm nước, vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, vấn đề an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập và hạ du v,v.. Nhờ đó các sản phẩm KHCN của Viện đã đáp ứng các yêu cầu của thực tế phục vụ hiệu quả cho công tác quy hoach, quản lý điều hành của Bộ NN&PTNT, các địa phương”
“Một số sản phẩm nổi bật như Công nghệ dự báo và giám sát hạn hán, xâm nhập mặn; Các giải pháp công nghệ tính toán kiểm đếm nguồn nước, công nghệ lưu giữ nước phục vụ chống hạn cho các vùng trọng điểm ở Tây Nguyên và Nam Trung Bô; Các giải pháp công nghệ phục vụ chỉnh trị, bảo vệ bờ sông, bờ biển tập trung cho vùng ĐBSCL ven vùng ven biển Trung Bộ; Công nghệ, thiết bị phục vụ giám sát, dự báo đảm bảo an toàn hồ chứa theo thời gian thực, kiểm soát, điều tiết nguồn nước tưới trong hệ thống thủy lợi; Công nghệ, quy trình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho các cây trồng cạn chủ lực, hiện Viện đang từng bước nghiên cứu và ứng dụng công nghệ 4.0 nhằm xây dựng các quy trình tưới thông minh, tưới chính xác cho một số cây trồng chủ lực; các giải pháp phục vụ quy hoạch cấp thoát nước, công nghệ xây dựng công trình và thiết bị lấy nước mặn từ xa phục vụ nuôi trồng thủy sản, tập trung chính ở ĐBSCL đáp ứng yêu cầu của đề án tái cơ cấu ngành NN&PTNT; Công nghệ đập trụ đỡ, xà lan (Công nghệ đạt giải thưởng HCM năm 2012); Các dạng cửa van lớn, thiết bị, máy bơm đặc thù cho từng vùng phục vụ chống úng, hạn, cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho vùng núi cao, vùng khan hiếm nước…”, Bí thư Đảng ủy – Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam chia sẻ tại buổi lễ.
Đứng trước những thách thức mới về biến đổi khí hậu, thiếu hụt nguồn nước, thiên tai, ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng và khó lường, yêu cầu cao về chất lượng dịch vụ thủy lợi và hội nhập quốc tế, Giám đốc Viện PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt cho biết trong những năm tới đây Viện sẽ tập trung vào một số định hướng phát triển khoa học công nghệ như xây dựng và phát triển Viện KHTLVN trở thành trung tâm đổi mới KHCN thủy lợi, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; Quản lý và sử dụng nước hiệu quả, phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp và cấp nước đa mục tiêu với định hướng tối ưu hóa sử dụng nước, tăng năng suất nước, cùng với cải thiện thể chế, năng lực dự báo về an ninh nước (số lượng, chất lượng) tác động và bất lợi của và biến đổi khí hậu trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu long; Nâng cao năng lực giám sát, dự báo, cảnh báo, và đề xuất các giải pháp tổng hợp, quản lý rủi ro thiên tai để giảm thiểu rủi ro thiên tai, mức độ an toàn và khả năng phục hồi do thiên tai (lũ lụt, hạn hán, bão, bão, siêu bão, xói lở bờ sông và bờ biển, lũ quét, lở đất,biển dâng…), xây dựng “một xã hội an toàn trước thiên tai”; Hệ thống thể chế, cơ chế chính sách đồng bộ để xã hội hóa đầu tư; thiết lập và mở rộng quy mô tài chính và ưu đãi theo cơ chế thị trường để quản lý bền vững và hiệu quả nguồn nước; Thúc đẩy ứng dụng Khoa học và Công nghệ 4.0, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn tạo ra các sản phẩm hoàn chỉnh và đồng bộ…
Giám đốc Viện PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt cũng đã gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, Ủy ban, Ban, ngành Trung ương, các địa phương và bạn bè quốc tế đã giúp đỡ. Đồng thời gửi lời cảm ơn đến các thế hệ các nhà khoa học, cán bộ quản lý của Viện đã đóng góp vào sự phát triển của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam.
Thay mặt Đảng, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân – Ủy viên Bộ Chính trị – Chủ tịch Quốc Hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến toàn thể các thế hệ lãnh đạo, nghiên cứu viên,người lao động của Viện, các vị đại biểu, khách quýnhững tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất nhân dịp Lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam và dịp Viện vinh dự đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh.
Đồng chí Chủ tịch Quốc hội cho rằng, thủy lợi có vai trò đặc biệt quan trọng, nhất là đối với một đất nước có truyền thống sản xuất nông nghiệp như Việt Nam. Ngành thủy lợi tuy không trực tiếp mang lại lợi nhuận nhưng lại đóng góp những yếu tố quan trọng để thúc đẩy phát triển các ngành khác.Từ hàng nghìn năm nay, cuộc sống của người dân Việt Nam đã gắn liền với các công việc về thủy lợi. Trong xã hội hiện đại, công tác thủy lợi ngày càng có điều kiện phát triển, phục vụ hiệu quả nhu cầu phát triểnnhanh chóng, đa dạng của các ngànhkinh tế và toàn thể xã hội.
“Đảng và Nhà nước từ lâu đã hết sức quan tâm đến phát triển khoa học thủy lợi, nhất là từ năm 1975, sau khi nước nhà thống nhất, lực lượng cán bộ khoa học, kỹ thuật thủy lợi ở miền Bắc được tăng cường, công tác nghiên cứu quy hoạch và xây dựng hệ thống thủy lợi đã nhanh chóng được triển khai mạnh mẽ ở miền Trung và miền Nam, tạo ra bước đột phá về phát triển thủy lợi trong phạm vi cả nước”, Đồng chí Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Đồng chí Chủ tịch Quốc hội cũng đã ghi nhận, biểu dương những đóng góp của Viện và đánh giá cao sức lao động, sáng tạo, sự chủ động, khắc phục khó khăn của tập thể Viện để cống hiến bền bỉ cho sự nghiệp xây dựng, phát triển ngành thủy lợi và lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn.
“Đội ngũ hơn 1000 nhà khoa học, cán bộ nghiên cứu, đào tạo của Viện với năng lực, trình độ chuyên môn cao trở thành vốn quý của nền khoa học nước nhà nói chung, khoa học thủy lợi nói riêng đã, đang và sẽ tiếp tục có những đóng góp xứng đáng, thiết thực, hiệu quả cho sự phát triển của đất nước trong thời gian tới. Những thành tích và đóng góp quý báu của Viện đã được Đảng, Nhà nước và xã hội ghi nhận, trao tặngnhiều danh hiệu cao quý”.
Trước tác động của biến đổi khí hậu; tình hình thời tiết cực đoan, khó lường, đặc biệt trước những thách thức lớn đối với lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, ngành thủy lợi, trong đó có Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Đồng chí Chủ tịch Quốc hội cho rằng thủy lợi cần phát triển theo hướng tiên tiến, hiện đại, tăng dần mức bảo đảm phục vụ cấp nước cho công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, dịch vụ và đời sống dân sinh…;bảo đảm an ninh lương thực và phục vụ nền sản xuất nông nghiệp hàng hoá; góp phần phát triển kinh tế – xã hội bền vững, xóa đói giảm nghèo. Đồng thời,chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, nâng cao mức bảo đảm tiêu thoát nước, chống úng ngập, bảo vệ môi trường sinh thái, từng bước thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng…
Bên cạnh đó, Đồng chí Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam lưu ý một số vấn đề như:
Một là, Viện cần tiếp tục quán triệt, bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để nghiên cứu, tham mưu cho Bộ giúp Chính phủ chỉ đạo, điều hành hiệu quả, thực hiện thắng lợi các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội nói chung và lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn nói riêng; bảo đảm phát triển nền nông nghiệp hàng hóa tiên tiến, hiện đại và bền vững.
Hai là, tập trungnghiên cứu, giải quyết hiệu qủa những vấn đề đang đặt ra trong bối cảnhbiến đổi khí hậu diễn ra nhanh ở Việt Nam. Cung cấp kịp thời các luận cứ khoa học giúp cho việc hoạch định chính sách về nông nghiệp nói chung và thủy lợi nói riêng. Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng, nâng cao năng lựcdự báo, cảnh báo và đề xuất giải pháp kỹ thuật, công nghệ để ứng phó hiệu quả trước các tác động củabiến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, khó lường.Đồng thời,vừa giải quyết tốt yêucầu cấp, thoát nước cho nông nghiệp trước mắt,vừabảo đảm an ninh nguồn nước lâu dài cho phát triển kinh tế bền vững.
Ba là,với vai trò là một viện nghiên cứu lớn trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện cần tích cực phát triển các mối quan hệ hợp tác nghiên cứu với các cơ sở nghiên cứu khoa học của ngành nông nghiệp Việt Nam để có những nghiên cứu mang tính tổng thể, hệ thống, góp phần giải quyết cơ bản và bền vững những vấn đề trong phát triển nông nghiệp.Đồng thời, phải là đơn vị đi đầu của ngành về phát triển khoa học công nghệ thủy lợi trongbối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Viện cũng cần chủ động, tích cực hơn trong việcgiới thiệu và đưa các kết quả nghiên cứu áp dụng rộng rãi, phấn đấu có nhiều đơn vị trực thuộc Viện trở thành những đơn vị tự chủ về tài chính.
Bốn là, chú trọng nâng cao chất lượng nghiên cứu, kết hợpnghiên cứu hàn lâm với nghiên cứu triển khai, tiếp tục hoàn thiện các công nghệ đã được nghiên cứu, ứng dụng, nhất là các công nghệ dễ áp dụng vào thực tiễn. Hiện đại hóa cơ sở vật chất đi đôi với việc xây dựng, củng cố đội ngũ nghiên cứu viên,nâng cao năng lực công bố quốc tế, tiếp tục mở rộng và tăng cường hiệu quả hợp tác với các cơ sở nghiên cứu, đào tạo trên thế giới, sẵn sàng tiếp cận, làm chủ công nghệ mới, tiên tiến, hiện đại… để từng bướcđưa Viện trở thành một trung tâm nghiên cứukhoa học thủy lợi lớn, có uy tín không chỉ của Việt Nam mà trong cả khu vực và trên thế giới. Tích cực tham gia các dự án, công trình nghiên cứu lớn để giải quyết những vấn đề có tầm cỡ khu vực và thế giới.
Năm là,không ngừng quan tâm, chăm lo, tạo điều kiện thuận lợi đểthúc đẩy đội ngũ cán bộ khoa học, nghiên cứu, đào tạongày càng phát triển,sáng tạo, có hoài bão,khát khao cống hiến, gắn bó tâm huyết với Viện cũng như với ngành thủy lợi và lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn. Kết hợp tốt hai hoạt động nghiên cứu và đào tạo để cung cấp đội ngũ nghiên cứu viên, giảng viênchất lượng cao; phát huy lợi thế sẵn có của Viện để hỗ trợ việc đào tạo, giảng dạy của TrườngĐại học Thủy lợi và các cơ sở đào tạo các lĩnh vực liên quan.
Với bề dày truyền thống và đội ngũ cán bộ khoa học nhiệt huyết, có trình độ cao, Đồng chí Chủ tịch Quốc hội tin tưởng Viện sẽ tiếp tục phát triển xứng tầm với vị thế là trung tâm hàng đầu cả nước về khoa học công nghệ và đào tạo trong lĩnh vực Thủy lợi. Đồng chí Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các Bộ, ngành quan tâm, giúp đỡ để Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam khẳng định là tổ chức khoa học công lập đầu ngành đã được Chính phủ xếp hạng đặc biệt. Đồng thời, cũng mong muốn các tổ chức, cơ sở nghiên cứu, đào tạo, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế tiếp tục hợp tác, hỗ trợ để Viện ngày càng phát triển hơn.
Cuối cùng, Đồng chí Chủ tịch Quốc hội chúc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam luôn đoàn kết, trí tuệ, chủ động, sáng tạo, tâm huyết, không ngừng phấn đấu, đạt nhiều thành tựu và cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đại diện cho Chính phủ Nhật Bản, Ngài OKABE DAISUKE – Công sứ – Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đã gửi lời chúc mừng Viện nhận dịp kỷ niệm 60 năm thành lập và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh.
Ngài Công sứ cho biết, thời gian vừa qua, Chính phủ Nhật Bản và Tổ chức JICA đã hỗ trợ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nói chung và Viện Khoa học Thủy lợi nói riêng, nhiều dự án nông nghiệp, dự án thúc đẩy nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nước của Việt Nam nhằm cống hiến cho sự phát triển của ngành nông nghiệp.
“Hai dự án tiêu biểu của Chính phủ Nhật Bản là Dự án hỗ trợ kỹ thuật được triển khai từ năm 2005, kéo dài trong 08 năm. Dự án với nội dung tăng cường năng lực quản lý tưới có sự tham gia của người dân với mục đích nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nước, nâng cao năng suất. Dự án thứ hai là Dự án vốn vay đầu tư cơ sở vật chất và tăng cường năng lực nghiên cứu cho Viện đang được triển khai từ năm 2013, dự án bao gồm hợp phần xây dựng trung tâm nghiên cứu và đào tạo tại Khu công nghiệp cao Hòa Lạc và tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý kỹ thuật và cho nông dân. Bên cạnh đó, với quan điểm hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho Viện, phía Nhật Bản đã mời 40 lượt cán bộ của Viện tới Nhật Bản để học tập kinh nghiệm”, Ngài Công sứ – Đại sứ quán Nhật Bản chia sẻ tại buổi lễ.
Ngài Công sứ cho rằng Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam được Chính phủ Việt Nam trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh như một minh chứng ghi nhận những thành quả, đóng góp của Viện trong những năm vừa qua và phần nào đó có những đóng góp của Nhật Bản với vai trò là đối tác đồng hành cùng Viện qua những Dự án hỗ trợ. Ngài cũng cho biết Chính phủ, các tổ chức và cá nhân của Nhật Bản cảm thấy rất vinh dự, xúc động và cảm thấy tự hào là đối tác đồng hành của Viện.
“Năm 2019 là năm cuối của giai đoạn 05 năm của tầm nhìn chung, dài hạn hợp tác nông nghiệp Việt Nam – Nhật Bản. Hiện nay, phía cơ quan Chính phủ Nhật Bản đang cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển của Việt Nam đánh giá kết quả hoạt động của giai đoạn vừa qua và nghiên cứu chuẩn bi cho kế hoạch hành động mới. Tầm nhìn chung và dài hạn của giai đoạn tiếp theo sẽ được bắt đầu từ năm 2020, phía Nhật Bản kỳ vọng tầm nhìn giai đoạn mới sẽ hỗ trợ hơn nữa cho các hoạt động hợp tác giữa hai nước, phát huy những kết quả của nền tảng của sự hỗ trợ và giúp đỡ từ phía Nhật Bản từ trước đến nay bao gồm cả sự hỗ trợ cho Viện để trở thành trung tâm hàng đầu trong ngành về phát triển nguồn nhân lực và nghiên cứu chất lượng cao.
Nhân dịp buổi lễ, Ngài Công sứ cũng đề nghị những tổ chức, cá nhân, đơn vị liên quan hỗ trợ và ủng hộ để tổ chức buổi đối thoại giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và Bộ Nông, Lâm, Ngư, Nghiệp Nhật Bản.
Cuối cùng, một lần nữa thay mặt cho Chính phủ Nhật Bản, Ngài OKABE DAISUKE – Công sứ – Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam chúc mối quan hệ giữa hai nước ngày càng sâu sắc hơn nữa.
Theo Viện KH Thủy lợi Việt Nam