Nhằm tổng kết đánh giá chung kết quả thực hiện của cụm nhiệm vụ, qua đó rút kinh nghiệm những vấn đề còn tồn tại và gợi mở những vấn đề khoa học cần tiếp tục nghiên cứu trong thời gian tới nhằm khai thác hiệu quả bền vững các nguồn nước dưới đất, nâng cao khả năng cấp nước sinh hoạt cho đồng bào vùng núi cao vùng khan hiếm nước, sáng ngày 26/12, tại Hà nội, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam tổ chức Hội thảo tổng kết Cụm nhiệm vụ: “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ xử lý và cấp nước sạch thích ứng với điều kiện vùng núi cao, vùng khan hiếm nước”.
Cụm nhiệm vụ nước ngầm được Bộ Khoa học và Công nghệ giao cho Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam thực hiện. Cụm nhiệm vụ có 06 đề tài nghiên cứu đại diện cho các vùng địa chất thủy văn khác nhau trong cả nước như nước karst ở khu vực miền núi phía Bắc; nước trong các thấu kính nước nhạt ở vùng cồn cát ven biển Trung Bộ; nước từ các mạch lộ, trong các thành tạo Bazan khu vực Tây Nguyên; nước trong các đới nứt nẻ, trầm tích bờ rời khu vực Nam Bộ… Cụm nhiệm vụ thuộc Dự án số 2 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 264/QĐ-TTg ngày 2/3/2015.
Tham dự Hội thảo, về phía Bộ Khoa học và Công nghệ có Ông Lê Quang Thành – Vụ trưởng Vụ Khoa học xã hội nhân văn và tự nhiên, đại diện chuyên viên Vụ Kế hoạch Tài chính, Vụ Khoa học xã hội nhân văn và tự nhiên, Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước.
Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có Ông Nguyễn Anh Tú – Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Khoa học Công nghệ và Hợp tác Quốc tế – Tổng cục Thủy lợi, Ông Khổng Trung Duân – Phó Trưởng phòng Tổng hợp Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường.
Về các chuyên gia, các nhà khoa học có PGS.TS. Đoàn Văn Cánh – Chủ tịch Hội Địa chất Thủy văn Việt Nam; PGS.TS. Nguyễn Văn Lâm, PGS.TS. Đỗ Văn Bình – Trường Đại học Mỏ Địa chất.
Về phía Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam có GS.TS. Nguyễn Vũ Việt – Giám đốc Viện; các Phó Giám đốc Viện: GS.TS. Trần Đình Hòa, PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong, PGS.TS. Tô Văn Thanh; đại diện các lãnh đạo đơn vị, các chủ nhiệm và thành viên tham gia 06 đề tài thuộc cụm nhiệm vụ nước ngầm.
Phát biểu khai mại Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Vũ Việt – Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam – Trưởng Ban chỉ đạo Cụm nhiệm vụ đã báo cáo một số kết quả đạt được trong nghiên cứu, tổ chức quản lý các cụm nhiệm vụ. Theo đó, Cụm nhiệm vụ nước ngầm đã nghiệm thu và được Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá cao với những sản phẩm nổi bật có nhiều triển vọng ứng dụng thực tiễn như bản đồ phân bố và định hướng khai thác các dạng nước dưới đất cho vùng khan hiếm nước trên phạm vi cả nước; 31 giải pháp công nghệ khai thác, xử lý và cấp nước sạch thích ứng với điều kiện vùng núi cao, vùng khan hiếm nước cho khu vực miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ.
Đặc biệt Cụm nhiệm vụ đã hoàn thành xây dựng 13 mô hình trong đó có 02 mô hình công nghệ khai thác bền vững nguồn nước Karst khu vực Bắc Bộ tại Bản Pa Kha 3 – Yên Châu – Sơn La và Vùng Vần Dính – Hà Quảng – Cao Bằng Cao Bằng; 02 mô hình khai thác bền vững thấu kính nước nhạt trong cồn cát ven biển phục vụ cấp nước sinh hoạt tại huyện Thạch Hà – Hà Tĩnh và huyện Gio Linh – Quảng Trị; 02 mô hình thu lưu trữ nước phục vụ cấp nước sinh hoạt hiệu quả vùng cho vùng khô hạn khan hiếm tại huyện Hàm Thuận Nam – Bình Thuận; 02 mô hình công nghệ khai thác bền vững nguồn nước mạch lộ vùng Tây Nguyên tại huyện Đắk Đoa – Gia Lai và huyện Đắk Glong – Đắk Nông; 03 mô hình công nghệ khôi phục các giếng khoan có hiệu suất thấp để cấp nươc sinh hoạt vùng khan hiếm nước ở Đông và Tây Nam Bộ… Các mô hình thử nghiệm này đã góp phần giải quyết hiệu quả vấn đề cấp nước sinh hoạt cho đồng bào vùng khan hiếm nước qua đó khẳng định được sự phù hợp, hiệu quả của giải pháp đề xuất và triển vọng ứng dụng để cấp nước cho tất cả các vùng khan hiếm nước trong tương lai gần.
Tại Hội thảo tổng kết, các đại biểu đã được nghe các diễn giả là các Chủ nhiệm của 06 nhiệm vụ báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ bao gồm nghiên cứu đề xuất các mô hình, giải pháp công nghệ khai thác và bảo vệ phát triển bền vững nguồn nước Karst phục vụ cấp nước sinh hoạt tại các vùng núi cao, khan hiếm nước khu vực Bắc Bộ; Nghiên cứu đề xuất mô hình khai thác bền vững thấu kính nước nhạt trong các cồn cát ven biển phục vụ cấp nước sinh hoạt cho vùng khan hiếm nước khu vực Bắc Trung Bộ; Nghiên cứu xây dựng mô hình thu và lưu giữ nước phục vụ cấp nước sạch hiệu quả cho vùng khô hạn khan hiếm nước Ninh Thuận – Bình Thuận; Nghiên cứu đề xuất các mô hình thu gom khai thác bền vững nguồn nước mạch lộ phục vụ cấp nước sạch cho các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước khu vực Tây Nguyên…
Phát biểu tham luận tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong – Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã đánh giá cao các kết quả của 06 nhiệm vụ thuộc cụm nước ngầm, 06 nhiệm vụ có giá trị thực tiễn và giá trị khoa học, đã giải quyết và lựa chọn các công nghệ phù hợp với từng khu vực vùng khan hiếm nước từ miền Bắc đến Đồng Bằng sông Cửu Long.
Để có thể nhân rộng các mô hình của 06 nhiệm vụ, PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong cho rằng cần phải đưa ra chế độ theo dõi giám sát để đảm bảo tính bền vững của mô hình và xây dựng giải pháp phù hợp với quy mô của từng mô hình, hoàn thiện các hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn các công nghệ; cần quan tâm đến việc đăng ký các giải pháp hữu ích, tiến bộ kỹ thuật và sáng kiến cấp Bộ cho các kết quả của các nhiệm vụ.
Nhiều mô hình cấp nước sinh hoạt nông thôn hiện nay khoảng 2-3 năm suy giảm về công nghệ và công suất và nhiều mô hình cấp nước sạch ở vùng đồng bằng xuống cấp hoặc không tồn tại chỉ trong vòng 5 năm, đặc biệt miền núi nơi trình độ dân trí còn thấp do vậy cần có hướng dẫn để lựa chọn các công nghệ phù hợp cho các vùng khác nhau, theo dõi, đánh giá vận hành sau dự án, tổ chức quản lý bàn giao cho đối tượng quản lý.
Ngoài ra, vấn đề tài chính là không thể không kể đến, không riêng vấn đề cấp nước sạch mà còn vấn đề quản lý nước trong thủy lợi, nếu không có tài chính bền vững thì mô hình sẽ khó có thể tồn tại được. Bên cạnh đó để khẳng định tính bền vững, PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong cho rằng ngoài các vấn đề về công nghệ, tài chính thì vấn đề quản lý vận hành hệ thống, hệ thống chính sách đi theo để đảm bảo phát triển bền vững nguồn nước đặc biệt đối với việc cấp nước cho các vùng khan hiếm nước cũng quan trọng không kém.
Đối với Luật Tài nguyên nước sau khi ra đời, nội dung và các văn bản điều hành chủ yếu tập trung vào vấn đề cấp phép, khai thác, theo dõi, quan trắc động thái nước dưới đất có rất nhiều tuy nhiên các nội dung liên quan đến nghiên cứu xây dựng, đề xuất chính sách, điều chỉnh các hoạt động quản lý đầu tư xây dựng và quản lý vận hành với các hệ thống công trình hoặc các giải pháp công nghệ cấp nước cho các vùng khan hiếm lại rất ít, hầu như không có. Do vậy, theo PGS.TS. Nguyễn Tùng Phong, trong giai đoạn tới đây là yếu tố rất quan trọng cần hướng tới trong hệ thống cơ chế chính sách để điều chỉnh các hoạt động trong quản lý đầu tư xây dựng, quy hoạch hệ thống nước dưới đất, đặc biệt đối với vùng khan hiếm nước. Bên cạnh đó, các mô hình cần quản lý bền vững cần phải dựa vào mô hình tổ chức quản lý phù hợp hay xác định rõ vai trò, trách nhiệm, quyền lợi, quyền hạn của các địa phương và các tổ chức liên quan…