Cậu sinh viên người Jarai ấy tên Rcom Soni sinh năm 1993 đến từ vùng đất GiaLai đầy nắng gió. Em là con trai cả trong gia đình có 3 anh em, sau Soni là 2 người em gái. Lần đầu tiên tôi gặp Soni là khi em đến văn phòng khoa Cơ khí trường Cao đẳng Công Thương Miền Trung (khi ấy là trường Cao đẳng Công Nghiệp Tuy Hòa) trình bày một cách chậm rãi về lý do tựu trường trễ sau kỳ nghỉ hè. Một lời xin lỗi không thể trách phạt: “Em phải phụ giúp gia đình mùa rẫy này. Em xin lỗi nhiều ạ”. Cũng như hầu hết các gia đình khác ở xã Iaba, gia đình Soni cũng sống nhờ nương rẫy với cây đậu, cây sắn, cây bắp. Mùa hè khi các bạn trẻ nghỉ ngơi đi chơi là lúc Soni trở về phụ giúp công việc với bố mẹ bởi em là người đàn ông thứ 2 trong gia đình, một cánh tay đắc lực của người cha.
Rcom Soni có vóc người thấp gầy nhưng khỏe khoắn đậm nét đặc trưng người miền ngược. Làn da sạm đen, mớ tóc dày đen nhánh ôm khuôn mặt vuông vắn rắn rỏi. Đôi mắt biết nói luôn ánh lên vẻ hiền lành, chân thật. Suy nghĩ rất thực tế về công việc tương lai và vốn yêu thích nghề Cơ khí, Soni khăn gói về đất Phú Yên theo học hệ cao đẳng ngành Công nghệ kỹ thuật Cơ khí. Mới tiếp xúc có cảm giác em hơi chậm chạp với giọng nói lơ lớ rụt rè nhưng ẩn trong con người ấy là một cá tính mạnh mẽ và một ý chí kiên định. Soni nói: “Em muốn giúp đỡ gia đình và thay đổi cuộc sống bằng con đường học tập nên em phải luôn cố gắng. Khi còn nhỏ em đã muốn làm thợ cơ khí để có thể cải tiến chút gì đó các nông cụ ở nông thôn. Quê em còn nghèo lắm” và sự cố gắng này không phải lời nói suông. Khác với vẻ ngoài rụt rè, em rất năng động trong học tập. Chưa hiểu rõ vấn đề, em sẽ trao đổi ngay với giáo viên giảng dạy đến khi thông tỏ mới thôi. Em luôn sắp xếp thời khóa biểu hợp lý để có thể tham gia vào lớp học của giáo viên khác với cùng bộ môn để có nhiều cách tiếp cận môn học và hiểu một cách sâu sắc hơn. Thạc sĩ, giảng viên Huỳnh Chí Trung, người từng dạy em nhiều môn học chia sẻ: “Rcom Soni không phải là sinh viên quá thông minh nhưng em có một ý chí học tập đáng kinh ngạc, một sự kiên trì đáng nể. Không chỉ trong lý thuyết, mà ngay cả thực hành, khi chưa làm được hoặc chưa hài lòng về sản phẩm mình tạo ra, em xin được làm lại với tinh thần cầu thị rất cao. Rất tự hào vì cậu sinh viên ấy”. Ngoài giờ học, bạn bè muốn gặp Soni chỉ cần đến thư viện nơi góc ngồi quen thuộc sẽ gặp ngay anh chàng cặm cụi với những cuốn sách kỹ thuật dày cộp. Cậu sinh viên ngồi đó như thể thế giới chỉ còn lại riêng mình.
Từ năm học thứ 2, Soni đi làm phục vụ ở một quán cà phê vào buổi tối, cũng có lúc đi làm phụ hồ vào các ngày nghỉ để trang trải phần nào chi phí học tập phụ giúp gia đình. Nhiều buổi chiều trên đường đi làm về, tôi bắt gặp hình ảnh em vội vã trên chiếc xe đạp cũ kỹ đến chỗ làm thêm. Vậy nhưng Soni luôn sắp xếp thời gian biểu hợp lý để việc đi làm thêm không ảnh hưởng đến học tập và vì thế kết quả là 5 học kỳ em đã đạt học lực loại khá. Tôi nghĩ một trong những yếu tố làm nên thành công là luôn phải có định hướng đúng cho tương lai. Không chỉ kiên định trong lựa chọn nghề, Soni còn xác định rõ hướng đi bằng việc tìm hiểu rất kỹ về ngành nghề, em mạnh dạn đăng ký học chứng chỉ ngắn hạn các phần mềm để hỗ trợ công việc sau này. Và trong các buổi học chứng chỉ ấy, em luôn đi sớm hơn các bạn để tranh thủ thời gian được thực hành máy nhiều hơn. Không phải sinh viên nào cũng nghĩ đến việc này. Dường như em luôn tận dụng thời gian, luôn cố gắng chuẩn bị hành trang đầy đủ và tốt nhất cho ngày vào đời. Chàng trai bé nhỏ này khiến tôi luôn dõi theo với sự kỳ vọng đầy yêu mến.
Tháng 6/2017, Soni tốt nghiệp và trở thành tân cử nhân Cơ khí với tấm bằng loại khá. Em đi làm việc ngay khi chưa nhận bằng tốt nghiệp. Em làm việc tại một công ty Cơ điện ở Long An với mức lương cơ bản gần 6 triệu/tháng, tính luôn phụ cấp tăng ca được khoảng gần 10 triệu/tháng. Soni chia sẻ: “Tháng lương đầu tiên được làm ra từ nghề khiến em sung sướng lắm, em dành tiền giúp bố mẹ trả bớt nợ nần. Gia đình vui và tự hào vì em lắm. Em yêu nghề và sẽ kiên trì để trở thành người thợ cơ khí giỏi”. Gần đây, tôi nhận được tin em sắp chuyển chỗ làm vì nhận được lời mời từ một công ty khác với các chế độ ưu đãi tốt hơn. Nhưng đó chưa phải là yếu tố quyết định mà vì em muốn làm việc nhiều nơi để có thêm kinh nghiệm nghề. Suy nghĩ rất đáng quý! Tuổi trẻ cần in dấu chân khắp nơi, tuổi trẻ cơ khí lại càng cần có mặt ở thật nhiều công trường, công xưởng để được va chạm, được đa dạng môi trường làm việc mới mong nâng cao tay nghề, mới đúc kết thật nhiều kinh nghiệm, để đến một ngày nào đó được là người thầy trong chính nghề của mình.
Tôi vừa gặp em đang bước những bước thật chậm giữa sân trường với chiếc áo đồng phục thể dục nhà trường mà em hay mặc. Em có việc trở lại Tuy Hòa nên ghé vào trường chơi. Em có vẻ gầy hơn trước. Chàng cựu sinh viên không còn dáng vẻ rụt rè nhút nhát, thay vào đó là sự chững chạc của người đàn ông trưởng thành. Vẫn rất giản dị đúng chất người cơ khí, bàn tay đầy những vết chai đen, ánh mắt cương nghị, em nói đợt này em về thăm gia đình và nghỉ ngơi chút ít chuẩn bị cho công việc mới sắp tới. Nhìn dáng đi chậm rãi với chiếc áo đồng phục thể dục quen thuộc, sống mũi chợt cay cay… Em luôn mang hình ảnh nhà trường theo khắp nơi…