“Tôi chọn nghề” – một lời khẳng định dường như đi ngược chiều tâm thức của đa phần người trẻ. Đã học xong phổ thông, ai dại gì đi học nghề. Mặc nhiên đó cũng là tâm niệm của phần đông các bậc phụ huynh. Với suy nghĩ học nghề là bước đi cuối cùng cho người lười học, cho kẻ bất trị, cho người lỡ bước với con chữ… người người bước vào cánh cổng đại học rộng mở bất chấp năng lực, sở trường, nguyện vọng và bất chấp cả con số thất nghiệp ở bậc đại học trong nhiều năm liên tiếp. Giờ học thực hành của Sinh viên khoa Cơ khí
Trần Minh Quang (quê Hòa Hiệp bắc, huyện Đông Hòa) không nghĩ vậy. Tốt nghiệp kỳ thi THPT quốc gia 2017 với điểm số vượt chuẩn của nhiều trường đại học song Trần Minh Quang chọn học nghề Công nghệ Chế tạo máy hệ Cao đẳng tại MITC. Năm đó, Quang là thủ khoa ngành Công nghệ Chế tạo máy và cũng là thủ khoa đầu vào của MITC. Em được nhận học bổng toàn khóa học. Với Quang: “Em chọn nghề mà em thích chứ không đặt nặng bằng cấp hay chọn một ngôi trường danh giá. Em nghĩ rằng nếu nỗ lực học tập và rèn luyện tay nghề thật tốt thì dù là bậc học thấp hơn nhưng cơ hội việc làm còn rộng mở hơn bậc đại học. Nếu muốn, em có thể học liên thông cao hơn sau này”. 18 tuổi tự tin và chủ động lựa chọn hướng đi cho mình, chắc chắn không phải ai cũng làm được; bởi rất nhiều thứ vây quanh một người trẻ: sự kỳ vọng của cha mẹ, rào cản của xã hội trọng bằng cấp, trải nghiệm và kỹ năng tìm hiểu lựa chọn còn hạn chế… Sau Quang một khóa, Nguyễn Xuân Thời (sinh năm 2003) cũng là gương mặt thật đặc biệt. Thời chọn học nghề Hàn hệ Trung cấp sau khi tốt nghiệp THCS mà không tiếp tục học THPT như các bạn đồng trang lứa mặc dù Thời có học lực khá tốt. “Em chọn nghề Hàn vì sẽ dễ tìm việc làm, nghề này luôn thiếu lao động trong nhiều năm. Bố mẹ em đồng ý với quyết định của em”. Đó là lý do chọn nghề rất thực tế của cậu bạn 15 tuổi. Để có được sự chọn lựa đó, Thời đã tìm hiểu qua sự tư vấn của các cơ sở dạy nghề khi họ về các trường tư vấn thực hiện phân luồng học sinh sau THCS.
Sinh viên Trần Minh Quang thực hiện bài thi Thiết kế Cơ khí trên máy tính
Và Nguyễn Xuân Thời cũng chọn MITC để chuẩn bị một nghề nghiệp tương lai. Xác định được mục tiêu, có niềm tin và nỗ lực hết sức tất sẽ đạt được thành quả. Cả hai em đã có bảng thành tích học tập đáng nể với học lực luôn đạt loại giỏi qua các học kỳ. Không chỉ vậy, trong kỳ thi tay nghề tỉnh Phú Yên tổ chức cuối tháng 2/2020, hai em đều đạt giải cao nhất với nghề dự thi. Trần Minh Quang giải Nhất nghề Thiết kế trên máy tính và Nguyễn Xuân Thời giải Nhất nghề Hàn. Với thành tích đạt được, Quang và Thời là hai trong số 15 HSSV được nhà trường đề xuất tuyên dương danh hiệu HSSV của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp năm 2020. Đó chỉ là hai trong số rất nhiều những gương mặt MITC mạnh mẽ khẳng định “Tôi chọn nghề và tôi theo nghề”. “Làm thầy” chưa chắc đã phù hợp và “làm thợ” chưa chắc là không hay. “Thầy” chính là các nhà quản lý tốt , còn “thợ” chính là những nhân viên tốt. Một người thợ với độ tinh thông tay nghề cũng chính là người thầy trong chính nghề nghiệp của mình.
Ông Nguyễn Phất, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Phú Yên trao Giải nhất cho các thí sinh
Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2018-2025 đề ra mục tiêu đến năm 2020, có ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 25%; đến năm 2025, có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%. Đó là những con số không nhỏ nếu không nói là đầy khó khăn và thách thức đối với hệ thống giáo dục. Những năm qua, mặc dù công tác phân luồng sau THCS và THPT có chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa đạt con số kỳ vọng, song phần nào cũng đã tạo được sự thay đổi về nhận thức của xã hội đối với việc học nghề. Ông Nguyễn Đắc Hưng (Vụ giáo dục và đào tạo) cho rằng “việc làm rõ chủ trương phân luồng sau THCS không phải chỉ ở các nước nghèo mà phổ biến ở tất cả nước trên thế giới. Đây không phải sự lựa chọn thiệt thòi của người nghèo mà là cách lựa chọn khôn ngoan, phù hợp điều kiện và hoàn cảnh của mỗi người trong nền kinh tế thị trường. Việc lựa chọn này hướng đến có việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống và cũng có cơ hội thăng tiến”. Muốn thành công phải có sự khác biệt. Biết đâu “Tôi chọn nghề” là con đường mang lại bước ngoặt tương lai. Bạn tiến về cánh cổng tương lai bằng phương thức nào không quan trọng, điều cốt yếu là xác định mục tiêu, nỗ lực không ngừng và không ngại sự khác biệt. Và vì vậy, đừng bao giờ đi vào lối mòn tư duy rằng đại học mới là điều kiện tiên quyết và duy nhất để thành công. Có nghề là có tương lai. Đừng lãng phí thời gian, của cải và công sức theo đuổi con đường không phù hợp bản thân và không hợp xu hướng xã hội hiện tại.